Kỹ năng giúp vượt qua các bài đọc trong IELTS
1. MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI ĐỌC TRONG IELTS:
Bài đọc có thể có rất nhiều từ mới, hoặc thuộc một chủ đề khá xa lạ và khó hiểu với bạn, đó là một điều bình thường mà bạn nên chấp nhận và làm quen. Những người ra đề phải chọn những chủ đề mang tính học thuật cao, tức là rất nhàm chán, (có thể) rất cao siêu, nhằng nhịt những từ chuyên ngành phức tạp mà bạn chắc chẳng bao giờ nhìn thấy, để đảm bảo là các thí sinh ở trong những điều kiện gần như ngang nhau khi làm bài thi, không ai được lợi hơn ai nhờ những hiểu biết nhất định cả.
Hình dung câu hỏi đọc hiểu của IELTS như những chiếc ổ khóa: mỗi ổ khóa chỉ có thể được mở bởi một chiếc khóa duy nhất và chỉ có chiếc khóa đó mà thôi. Tin tốt là luôn luôn có một chìa khóa cho mỗi chiếc ổ được dấu một cách khéo léo trong bài text, còn tin không tốt là có thể bạn sẽ phải tìm kiếm rất vất vả mới ra được một chiếc chìa khóa giữa nhiều chiếc chìa có vẻ giống nhau. Tuy vậy,bạn phải lưu ý một điều là: chỉ sử dụng thông tin từ bài đọc để trả lời câu hỏi, không được suy luận từ kinh nghiệm bản thân hay là đoán vu vơ. Chìa khóa luôn luôn nằm trong bài đọc và bạn phải tìm ra chúng.
Bài đọc không kiểm tra kiến thức của bạn nhiều hay ít về một vấn đề mà kỹ năng bạn xử lí với những tài liệu mang tính học thuật cao: đọc hiểu quả trong một khoảng thời gian hạn chế, hiểu được cơ bản những điều được trình bày, phân tích câu hỏi và biết cách quay lại bài đọc để tìm thông tin cần thiết.
2. CÁC BƯỚC LÀM BÀI ĐỌC:
B1: Đọc các câu hỏi. Bạn nên đọc các câu hỏi trước vì các câu hỏi sẽ cho bạn biết nội dung của bài đọc đồng thời cho bạn biết bạn sẽ phải tìm những gì trong bài. Một ví dụ điển hình là nếu câu hỏi yêu cầu bạn tìm xem những phát biểu dưới đây là do những tác giả nào đề cập và cho bạn một loạt khoảng 3 – 4 người, bạn biết rằng khi đọc bạn sẽ phải gạch chân tất cả những tên riêng trong bài để định vị xem thông tin sẽ được tìm ở đâu. Nếu bạn phải chọn tiêu đề cho các đoạn, bạn có thể đọc qua những tiêu đề cho sẵn để biết xem bài nói về nội dung gì.
B2: Đọc nhanh bài text khoảng 1 đến 2 lần. Rất nhiều sách sẽ dạy bạn đọc như thế nào cho nhanh, tôi chỉ xin lưu ý bạn rằng khi đọc, (1) bạn nên dùng bút chì gạch chân tất cả những từ “định hướng”, tên riêng, các “key word” trong bài; (2) bạn nên chú ý những câu đầu hoặc câu cuối mỗi đoạn văn, đoạn đầu tiên và đoạn cuối cùng trong bài vì phần đó thường mang các nội dung quan trọng của cả đoạn/ cả bài; (3) Dừng lo lắng nếu bạn không hiểu một số từ, bạn có thể đọc lại lần nữa nhưng nếu không hiểu thì cũng cứ kệ nó đấy.
B3: Đọc lại và trả lời các câu hỏi chung. Câu hỏi chung là câu hỏi về nội dung tổng thể của cả đoạn hoặc một đoạn. Ví dụ như tìm tiêu đề cho bài đọc/ tiêu đề cho từng đoạn văn…Để trả lời câu hỏi chung, bạn nên dựa vào các từ định hướng để nhìn ra ý chính của đoạn văn và chọn phương án trả lời không thừa không thiếu ý.
B4: Tìm thông tin và trả lời câu hỏi riêng. Câu hỏi riêng là câu hỏi bạn cần phải tìm ra đúng thông tin riêng biệt trong bài đọc để trả lời, ví dụ như điền từ vào chỗ trống, Yes –No- Not Given (YNG), tìm xem thông tin cụ thể trong bài đọc do ai đưa ra, vào thời gian nào. Cách trả lời câu hỏi riêng là bạn phải phân tích chúng như những chiếc ổ khóa và tìm trong bài đọc chiếc khóa để mở chúng. Ví dụ với câu hỏi YNG: đây là loại câu hỏi khó nhất trong các loại theo ý kiến của tôi. Để trả lời, bạn cần nhớ một nguyên tắc thế này: câu Y là câu lặp lại hoàn toàn chính xác nội dung của một câu trong bài đọc, câu N là câu lặp lại một nội dung bài đọc nhưng lại thay đổi một/ nhiều nội dung khác, câu NG là câu không có trong bài đọc. Với dạng câu hỏi này bạn trước hết bạn phải phân tích kỹ nội dung statement được đưa ra và gạch chân tất cả những nội dung trong câu đó, tóm lại là gạch chân cả câu đó trừ các quán từ, giới từ, dấu câu. Sau đó, dựa vào những chi tiết của ổ khóa đó, ban phải quay lại bài đọc để tìm chiếc khóa có những đặc điểm thích hợp. Tốt nhất là bạn rà soát lại bài đọc từ đầu đến cuối và tìm các từ ngữ lặp lại hoặc là từ đồng nghĩa với những từ được sử dụng trong statement. Khi bạn tìm được từ tương thích tức là bạn đã tìm được chiếc chìa khóa để mở ổ khóa rồi đó. Ví dụ với câu hỏi điền từ vào chỗ trống: Với câu hỏi này, bạn cần phải xác định phạm vi của bài điền từ là một đoạn, nhiều đoạn hay là cả bài text. Sau đó, bạn cần đọc và gạch chân những từ ngữ liên quan đến từ bị thiếu, nhất là chú ý những từ đi trước và những từ đi sau từ bị thiếu đó. Vì đây thông thường là đoạn tổng kết lại đoạn text/ bài text, thứ tự của bài tổng kết sẽ theo sát thứ tự xuất hiện trong bài text. Theo nguyên tắc như trên, bạn phân tích ổ khóa rồi tìm chiếc chìa khóa tương thích, lưu ý manh mối quan trọng nhất là những từ được sử dụng chính xác trong bài text hoặc những từ đồng nghĩa của chúng.
B5: Đọc lại lần nữa, kiểm tra lại và trả lời những câu hỏi còn lại. Nếu bạn còn thời gian hãy kiểm tra lại đến khi nào thật chắc chắn và không còn nghi ngờ gì nữa thì thôi. Nhớ nguyên tắc quan trọng nhất của bài đọc hiểu trong IELTS là bài đọc sẽ cho bạn mọi chìa khóa để mở các câu hỏi.
Đọc nhiều và đa dạng, hãy làm quen đầu óc bạn với những bài đọc dài và khó. Những bài báo về khoa hoc là những bài luyện tập tốt, ví dụ bạn có thể tham khảo báo New Sciencetist, The Nature hoặc các bài viết về khoa học công nghệ trên nhiều báo khác. Giữ thói quen đọc tích cực, tức là không vội tra từ điển mà để đầu óc suy đoán, tưởng tượng và động não một chút.
Đọc nhanh không phải là yếu tố quyết định để trả lời đúng, cái quan trọng là bạn phân tích đúng câu hỏi và tìm được đúng chìa khóa để trả lời. Những bạn nào có thói quen đọc lướt cần phải cẩn thận hơn vì khi bạn đọc quá nhanh có thể sẽ bị nhầm.
Tuy nhiên, bạn cũng không thể nghiền ngẫm từng từ được, thời gian giới hạn là 20 phút cho mỗi bài đọc mà thôi. Mỗi người có thể tự nghiên cứu để điều chỉnh tốc độ của mình sao cho phù hợp. Nếu bạn nghĩ mình cần phải đọc nhanh hơn, nhớ bí quyết đọc nhanh là bạn không đọc từng từ một mà đọc từng cụm.
Khi làm bài tập, đọc kỹ đáp án, dừng chỉ dừng ở việc đếm số câu đúng mà phải xem kỹ tại sao mình sai nữa, nhiều quyển sách tốt có chú giải rất kỹ những câu trong bài đọc, và bạn sẽ biết mình nhầm ở chỗ nào. Việc bạn mắc nhiều lỗi không quan trọng, điều cần thiết là bạn phải hiểu mình sai ở chỗ nào, và lần sau không mắc lỗi đó nữa. Nhiều khi sách cũng có thể nhầm đấy nhé, vì thế bạn phải kiểm tra thật kỹ, kiểm tra đến khi nào tâm phục khẩu phục thì thôi.