Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C đã lạc hậu
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định như vậy trước thông tin Sở Nội vụ TP.HCM từ chối chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế TOEIC, TOEFL trong hồ sơ tuyển công chức.
Trong các ý kiến này cũng có thông tin trái ngược với khẳng định của đại diện Sở Nội vụ TP.HCM trênTuổi Trẻ ngày 8-10, rằng “hiện chưa có quy định nào về xác định các mức trình độ tương đương của hai hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ”.
* PGS. TSTrần Văn Nghĩa (phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT):
Sử dụng khung tham chiếu châu Âu
Chứng chỉ A, B, C được cấp cho người hoàn thành các chương trình đào tạo tiếng Anh thực hành tương ứng ở các mức độ: cơ bản (Elementary level), trung cấp (Intermediate level) và nâng cao (Advanced level) được quy định tại quyết định số 177/QĐ-TCBT năm 1993 của Bộ GD-ĐT về chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C.
Tuy nhiên, hiện nay chương trình đào tạo tiếng Anh thực hành phải thực hiện theo quyết định 66/2008/QĐ-BGDĐT được ban hành từ năm 2008.
Theo đó, trình độ cơ bản về ngoại ngữ sẽ có hai cấp độ (A1, A2), trình độ trung cấp có hai cấp độ (B1, B2) và trình độ cao cấp có hai cấp độ (C1, C2). Đây là các khung trình độ được quy định theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ châu Âu.
Ngay trong quy định của các quy chế đào tạo sau ĐH hiện hành của Bộ GD-ĐT, yêu cầu ngoại ngữ đối với tuyển sinh vào các bậc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng đều sử dụng khung tham chiếu châu Âu về ngoại ngữ.
Thực tế, để thuận tiện cho việc quy đổi các chứng chỉ quốc tế, trong phụ lục của thông tư 05/2012/TT-BGDĐT năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo tiến sĩ có dẫn ra bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang cấp độ B1, B2 khung châu Âu.
Theo thông tư này, TOEIC, TOEFL đều là những chứng chỉ quốc tế thuộc hệ thống chứng chỉ tương thích với khung tham chiếu châu Âu, thông dụng, tin cậy và do các tổ chức khảo thí có uy tín cấp.
Mặt ngoài của chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C. Ảnh tư liệu.
* TS Đoàn Huệ Dung (trưởng khoa Ngoại ngữ – Sư phạm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM):
Sao không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế?
Trong tuyển dụng nói chung và tuyển dụng công chức nói riêng hiện nay mà còn quy định chỉ chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C là không còn phù hợp.
Hiện nay Việt Nam đang áp dụng chuẩn ngoại ngữ sáu bậc (A1, A2, B1, B2, C1, C2) cũng dựa trên chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu. Từ sáu bậc này các trường xác định bậc trình độ ngoại ngữ tương đương đối với những người có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế TOIEC, TOEFL, IELTS hiện được rất nhiều nước công nhận. Trong khi chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia A, B, C hiện vẫn chưa có quy định cụ thể quy đổi thành chuẩn nào và cũng chưa ai thực hiện việc này.
Thực tế chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia A, B, C đã quá lạc hậu và chất lượng đào tạo ở các nơi rất khác nhau.
Hạn chế lớn nhất của chứng chỉ A, B, C hiện nay là chuẩn của những nơi cấp bằng rất khác nhau, trong khi cơ hội học ngoại ngữ hiện nay khá rộng và rất phát triển với nhiều trung tâm đào tạo theo chương trình chuẩn quốc tế.
Vậy tại sao không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế?
Hiện nay khi xác định chuẩn đầu ra các trường ĐH đều hướng đến chuẩn B1. Công chức hiện nay là những người đã tốt nghiệp ĐH thì đơn vị tuyển dụng đưa ra yêu cầu ứng viên đạt bậc B1 trở lên. Cần quy đổi điểm TOIEC, TOEFL tương đương bậc B1.
Vì vậy, các đơn vị tuyển dụng phải có cái nhìn thoáng hơn và cần công nhận các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, tránh gây thiệt thòi cho ứng viên.* Một lãnh đạo phòng tổ chức – hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM:
Quy định không đúng
Hiện nay Trường ĐH Luật TP.HCM đặt ra yêu cầu đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ và quy định chuẩn đầu ra phải đạt từ 450 điểm TOIEC trở lên.
Nhà trường không phủ nhận chất lượng chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia A, B, C vì chất lượng chứng chỉ này tùy theo cơ sở đào tạo, thực tế cũng có những cơ sở đào tạo rất tốt nhưng nhìn chung việc cấp chứng chỉ này hiện nay tương đối dễ.
Trong khi việc đào tạo và kiểm tra năng lực người học để cấp chứng chỉ TOIEC, TOEFL quốc tế rất khó.
Vì thế hiện nay rất nhiều nước trên thế giới công nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế TOIEC, TOEFL nên nhà trường cũng áp dụng chuẩn này.
Việc Sở Nội vụ TP.HCM cho rằng theo quy định của pháp luật Việt Nam, chứng chỉ quốc gia (về ngoại ngữ) là các chứng chỉ A, B, C nên không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ TOIEC, TOEFL vì cho rằng đây là chứng chỉ của nước ngoài và không phù hợp là không đúng.