7 lầm tưởng nghiêm trọng khiến việc học Tiếng Anh của bạn luôn thất bại
Tại sao chúng ta vẫn chưa đạt được thành công? Điều đó chứng tỏ còn điều gì đó mà ta vẫn chưa biết. Hầu hết chúng ta cho rằng mình đã biết tất cả, mình đã học rất nhiều mà tại sao thành công vẫn ngoảnh mặt với chúng ta. Nhưng điều nguy hiểm nhất đang cản trở thành công của bạn lại “không thực sự nằm ở những điều bạn chưa biết, mà ở những gì bạn tưởng mình đã biết nhưng thật ra lại chẳng biết gì cả” (T.Harv Eker). Đó chính là những niềm tin, quan niệm sai lầm trong từng tầng suy nghĩ của bạn.
Vậy những niềm tin sai lầm đó là gì? Hãy cùng nhau làm sáng tỏ điều đó để “mở đường” tiến thẳng đến thành công trong việc học ngoại ngữ!
1. Suy nghĩ: “Tôi không thể!”
Bạn nghĩ rằng: “Ngoại ngữ rất khó, ngoại ngữ thật phức tạp, thật rắc rối,… và tôi không thể nào học nổi nó nữa”. Vâng, đúng là bạn không sai. “Bất kỳ điều gì bạn nghĩ bạn có thể hay không thể, bạn đều đúng” (Napoleon Hill). Nếu bạn chọn suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ tiêu cực, mất đi động lực, nhiệt huyết, sự cố gắng, bạn thấy vô vọng, chán nản, bạn nghĩ mình thật vô dụng, lười biếng, không có chút sức lực, năng lượng nào cả…với những trạng thái như vậy dễ hiểu vì sao bạn không thể nào chinh phục nổi bất kỳ ngoại ngữ nào, và suy nghĩ “Tôi không thể” của bạn đương nhiên vẫn đúng. Còn với những suy nghĩ tích cực, bạn sẽ vô cùng hứng khởi, thích thú, hào hứng, sôi nổi trong việc học, bạn thấy tràn trề sức sống, hy vọng và niềm tin,…điều đó sẽ tiếp thêm cho bạn một nguồn năng lượng khổng lồ giúp bạn có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào bạn đặt ra.
2. Niềm tin: “Tôi rất kém cỏi”
Trong quá trình học, rất có thể bạn đã từng bị ai đó chỉ trích, chê bai khả năng của bạn, có thể là thầy cô, bạn bè hay ngay chính cha mẹ bạn. Họ nói rằng bạn thật ngu ngốc, thật kém cỏi, chậm hiểu, kém thông minh, bạn sẽ không thể giỏi Tiếng Anh được. Và cứ thể bạn tin điều đó như một sự thật hiển nhiên. Và dĩ nhiên bạn sẽ sớm bỏ cuộc vì bạn nghĩ dù sao học cũng chẳng đi đến đâu. Nhưng chắc chắn điều họ nói không phải là sự thật. Đó chỉ là suy nghĩ của người khác, không phải của bạn, bạn không cần quan tâm nếu nó không giúp ích gì cho bạn, bạn phải là người làm chủ cuộc đời mình. Sao bạn không chứng minh rằng họ đã sai mà cứ tin theo họ, dù tất nhiên đó không phải là mục đích của việc học.
Bạn nghĩ rằng giỏi ngoại ngữ là năng khiếu bẩm sinh ư? Không, thực ra đó là một kỹ năng, mà kỹ năng thì có thể rèn luyện. Chúng ta sinh ra đã có khả năng học ngôn ngữ, đó là bản năng con người. Bạn thử nghĩ xem nếu bạn đã thành công với ngôn ngữ đầu tiên (tiếng mẹ đẻ), vậy tại sao bạn không thể lặp lại thành công đó lần thứ hai với một thứ ngôn ngứ khác? Lúc bạn học tiếng mẹ đẻ, bạn thậm chí không có những công cụ trợ giúp cần thiết, như: từ điển, kỹ năng học tập, đọc, viết, kinh nghiệm, sự kỷ luật,…Vậy lúc này đây, bạn có trong tay tất cả, đương nhiên là bạn hoàn toàn có thể chinh phục thêm bất cứ ngoại ngữ nào.
3. “Chỉ có những người thông minh, tài giỏi mới học được ngoại ngữ”
Sự thật hoàn toàn ngược lại: học ngoại ngữ giúp bạn thông minh hơn. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng học ngoại ngữ làm não bộ phát triển hơn và tăng chỉ số IQ. Chắc bạn đã từng nghe rằng “Khả năng của con người là không có giới hạn”. Điều này hoàn toàn có cơ sở, chúng ta mới chỉ sử dụng khoảng 3-10% sức mạnh của não bộ. Vì vậy bạn không cần thiết phải lo lắng về khả năng của bản thân mà hãy chú tâm phát triển nó và tập trung vào việc học.
4. “Tôi quá già để học ngoại ngữ”
Theo một vài nghiên cứu cho rằng ngôn ngữ mẹ đẻ phải được tiếp thu trước tuổi dậy thì (khoảng 12 tuổi). Sau khoảng thời gian đó, những thay đổi trong não bộ sẽ ngăn con người đạt hiệu quả tối đa trong việc học ngôn ngữ. Vậy đúng là có vẻ như trẻ em có khả năng học ngôn ngữ tốt hơn so với người lớn, nhưng không phải là người lớn không thể thành công trong việc học ngôn ngữ mới. Rất nhiều người đã thành công với ngoại ngữ dù đã qua 20 tuổi, thậm chí già hơn nữa cũng không thành vấn đề, nhiều người không chỉ biết 1 hay 2 mà đến tận 8, 9 ngôn ngữ. Chúng ta đều là con người, nếu họ làm được đuơng nhiên bạn cũng làm được. Thậm chí, người lớn cũng có rất nhiều lợi thế trong việc học ngoại ngữ, đặc biệt là các phẩm chất và kỹ năng. Ví dụ như sự tập trung, tính tự giác và tính kỷ luật, người lớn có thể kiểm soát và làm chủ bản thân tốt hơn so với trẻ nhỏ, trẻ nhỏ chủ yếu hành động theo cảm xúc và bản năng. Người lớn cũng có những kỹ năng tốt hơn, ví dụ như các kỹ năng học tập (viết, đọc, nghiên cứu), quản lý thời gian, tự tạo động lực,…Vì thế, dù cho bạn đã già hay trẻ thì cũng không thành vấn đề với việc học ngôn ngữ, không bao giờ là quá muộn cả.
5. “Tôi cần một giáo viên giỏi, cần học ở một trung tâm tốt mới thành công được”
Đó dường như chỉ là cái cớ với nhiều người để trì hoãn việc học, họ thậm chí còn không biết một giáo viên tốt là như thế nào, một trung tâm tốt có những tiêu chí nào. Thậm chí nhiều người cho rằng, nhất thiết phải học với giáo viên bản xứ mới là tốt. Tuy nhiên mỗi giáo viên đều có những điểm mạnh và yếu riêng, quan trọng là bạn học được gì từ họ. Học với giáo viên bản xứ cũng vậy, có điểm tốt mà cũng có những hạn chế, ví dụ như chi phí cao, sự khác biệt ngôn ngữ khiến việc diễn đạt khó khăn hơn, họ cũng khó hiểu được thói quen hay cách học ngoại ngữ của người Việt Nam, giáo trình quốc tế có thể chưa phù hợp với đặc điểm của người nước mình,…Có những lúc giáo viên bản xứ cũng không thể hiểu được có những từ mà họ cảm thấy dễ dàng phát âm nhưng lại vô cùng khó với học viên.
“Bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước nhưng bạn không thể bắt nó uống”. Người thầy chì là người chỉ lối, còn bạn mới là người quyết định. Bạn có thể tìm được “lối đi” cho riêng mình bằng rất nhiều cách, nhưng bạn có bước hết trọn vẹn con đường không mới là vấn đề.
6. “Tôi phải đến đất nước nói ngôn ngữ tôi muốn học mới có thể giỏi được”
Điều này nghe thì có vẻ rất chinh xác. Được tiếp xúc, cọ xát thường xuyên với môi trường bản xứ là cơ hội tuyệt vời để nâng cao trình độ. Vì thế nhiều người cũng muốn học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ra đi để tìm đường học ngoại ngữ. Nhưng dù có học tập ở đâu đi nữa thì bản thân vẫn là điều quan trọng nhất. Tôi đã học tập ở Nhật trong một thời gian và có những trải nghiệm riêng về việc học Tiếng Nhật. Nếu không có nền tảng nhất định về Tiếng Nhật, dù có nghe người Nhật nói rát tai bạn cũng chẳng hiểu gì, chẳng tiến bộ được gì, tất nhiên bạn cũng chẳng thể nào nói lại được họ. Bạn vẫn cần tự học, tự trang bị cho mình vốn liếng kiến thức nhất định, ví dụ như từ vựng hay ngữ pháp,…thì mới có thể nâng cao trình độ nhanh chóng. Ra nước ngoài chỉ là môi trường tốt hơn để bạn áp dụng, thực hành những gì bạn đã học, nhưng nếu bạn không học thì cũng chẳng có gì để thực hành cả, chỉ tốn tiền tốn sức vô ích. Nếu bạn có điều kiện tài chính, hãy ra nước ngoài học, còn không bạn vẫn hoàn toàn có thể tạo môi trường học ngoại ngữ ngay tại nước mình. Có rất nhiều cách, ví dụ như: xem tivi kênh Tiếng Anh, kết bạn với người nước ngoài, tham gia các CLB Tiếng Anh, viết lách, ghi chú bằng Tiếng Anh, cập nhập tin tức, nghiên cứu, học tập bằng Tiếng Anh…nói chung là thay vì dùng tiếng mẹ đẻ hãy cố gắng biến môi trường xung quanh bạn thành môi trường Tiếng Anh.
7. “Tôi không có đủ thời gian cho việc học Tiếng Anh”
Bạn thật sự không có đủ thời gian cho Tiếng Anh hay chỉ là bạn không muốn dành thời gian cho nó? Nếu bạn xác định được cho mình một lý do đủ lớn cho học Tiếng Anh thì việc học mới trở nên thật sự cần thiết với bạn. Vậy Lý do đằng sau việc học Tiếng Anh của bạn là gì? Mục tiêu của bạn là gì? Khi nào bạn nhận ra rằng Tiếng Anh sẽ không thể nào cản bước bạn đạt được mục tiêu hay ước mơ của mình thì Tiếng Anh chỉ là chuyện nhỏ với bạn. Luôn luôn có cách cho bạn. Ví dụ như hãy áp dụng Tiếng Anh vào cuộc sống hàng ngày của bạn, vào công việc, chuyên môn, học tập, nghiên cứu của bạn, hãy nói Tiếng Anh với bạn bè, nghe audio Tiếng Anh khi đi xe bus, khi đi dạo hay tập gym, cập nhập tin tức hàng ngày bằng Tiếng Anh thay vì tiếng mẹ đẻ như trước,…Có rất nhiều cách, chỉ là bạn có muốn thực hiện không hay thôi.
Còn nếu bạn cho rằng học ngoại ngữ mất quá nhiều thời gian, 5 năm, 10 năm hay cả đời ư. Vậy những người biết nhiều thứ tiếng họ mất mấy đời để chinh phục chúng. Thật ra chúng ta học ngoại ngữ trong thời gian dài nhưng lại không hề tập trung, học ngày này lại bỏ ngày sau thì làm sau đem lại kết quả. Thực chất nếu bạn đủ sự tập trung, kỷ luật thép thì chỉ cần 6 tháng đến một năm là đã có thể chinh phục một ngoại ngữ mới.