Lương thấp, tham nhũng vặt và những chiếc phong bì bôi trơn
GDVN) – Lương không đủ sống, cán bộ công chức sẽ lại gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, lại cần đến phong bì bôi trơn. Đấy là chuyện muôn thuở ở nước ta!
Là người bấm nút phát biểu cuối cùng vào chiều 31/10 tại nghị trường, ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nói thẳng rằng, năm 2015 bằng mọi cách phải tăng lương cho người lao động, vì đó là làm theo lộ trình đặt ra, cũng như làm theo Luật mà Quốc hội thông qua. Năm 2015, lương phải tăng 32% thì mới đảm đảm được mức sống tối thiểu của người lao động.
Và, ông Tùng cảnh báo: “Trong khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chúng tôi cho rằng Chính phủ đã thông qua lộ trình và hiện nghị quyết của Trung ương đã thông qua. Nhưng bây giờ chúng ta lại đặt ra vấn đề kinh tế khó khăn quá, không thực hiện theo lộ trình này thì hỏi những người lao động hưởng lương thấp, cán bộ công chức hưởng lương thấp như hiện nay thì làm sao họ đủ sống. Mà không đủ sống thì cán bộ công chức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, lại vui vẻ nhận phong bì bôi trơn, gây khó khăn cho người dân. Chính nguy cơ này còn lớn hơn nữa”.
Người dân phải gánh đủ các loại phí. Tranh biếm của Nguyễn Văn Dũng. |
Vấn đề ông Đặng Ngọc Tùng nêu ra hẳn sẽ khiến cho nhiều người dân lo lắng, bởi lâu nay chúng ta đã nói nhiều về vấn nạn “phong bì”, nhưng chưa có cách gì ngăn chặn triệt để. Quan xã, quan phường tìm cách hành dân, rồi cả đến cán bộ ngành y cũng hành dân, có cả cán bộ tòa án, công an… cũng hành dân.
Hẳn sẽ có người biện minh rằng, đó chỉ là một bộ phận nhỏ, là “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng xin đừng quên rằng, Đảng ta cũng đã nói rằng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị…”.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa): “Tôi đề nghị Quốc hội xem xét lại chuyện không tăng lương bởi vì chúng ta đã lỗi hẹn với cử tri bầu ra chúng ta một lần rồi. Chính phủ lý giải về những lý do chưa tăng lương tôi thấy chưa đủ sức thuyết phục. Có một bộ phận những người hưởng lương thấp rất khó khăn, đó là những người hưởng lương dưới 3 phẩy, những người về hưu trước năm 1993 mà không nâng lương cho họ thì đời sống vô cùng khó khăn. Chính phủ cũng chưa giải trình nếu tăng lương hết khoảng 40 nghìn tỷ thì có những khoản nào quan trọng tới mức không thể bỏ đi để dành cho tăng lương”.
Và tại kỳ họp Quốc hội trước, nhiều đại biểu cũng đã chỉ ra rằng, tham nhũng vặt đã tràn ngập khắp các ngõ ngách, gây ra những hệ lụy to lớn cho nhân dân mất niềm tin. Tham nhũng vặt tưởng là nhỏ, nhưng nếu cộng lại thì sẽ thành tham nhũng rất lớn, gây nguy cơ khôn lường cho xã hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ – ông Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận, tham nhũng vặt, trong luật gọi là tham nhũng nhỏ, trong thời gian vừa qua diễn ra trên một số lĩnh vực trong quản lý nhà nước, thường xảy ra ở những hoạt động thường xuyên với việc tiếp xúc công dân, doanh nghiệp… diễn biến khá phức tạp, tinh vi, và cho tới giờ cũng chưa có phương thuốc nào chữa trị được.
Năm 2013, trong cuộc khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt ở Việt Nam phổ biến, trở thành vấn nạn.
Có tới 31% người tham gia khảo sát (trong tổng số 13.600 người) xác nhận có tình trạng hối lộ trong dịch vụ y tế công, 29% thừa nhận có phong bì “lót tay” khi xin việc làm trong khu vực Nhà nước, 21% xác nhận chi phong bì khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 17% cho biết có phong bì cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn ở trường.
Thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất là nội dung mà người dân còn phàn nàn nhiều nhất. Người dân không những chưa hài lòng với dịch vụ và quy trình thủ tục, mà còn phàn nàn nhiều về thái độ làm việc của công chức.
Vậy nên chẳng phải ngẫu nhiên mà năm 2012 Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2011 chỉ xếp Việt Nam đứng thứ 123/176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 11 bậc so với năm 2011. Một năm sau, Việt Nam mới “lóp ngóp” lên được hạng 117 trong tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm nào cũng vậy, báo cáo phòng chống tham nhũng trình ra Quốc hội đều nói chưa đạt yêu cầu, nhưng không một ai có trách nhiệm dám đứng ra hứa với dân khi nào dẹp bỏ được quốc nạn này. Thế nên giờ đây cứ nhắc đến dự án, công trình… là người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến phần trăm chung chi, phong bì bôi trơn.
Người xưa đã dạy: “Một sự bất tín, vạn lần bất tin”. Mất niềm tin nghĩa là mất tất cả. Muốn giữ được niềm tin của dân, chỉ có một cách duy nhất: Nói thật, làm thật!
(Theo giaoduc.net.vn)